Mẹ già 75 tuổi nuôi con tâm thần

Trong căn nhà cũ kỹ ở xóm Xuân Hồng, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An, bà Nguyễn Thị Em (75 tuổi) cố gắng dỗ dành người con trai Nguyễn Văn Long (51 tuổi) vào nhà. Mặc trời rét, anh Long cứ đứng dưới vòi, vặn nước chảy xối xả vào người.

“Vào đi con, ốm mất thôi”, bà Em nói như mếu. Đáp lại bà là ánh mắt vô hồn và những tiếng lảm nhảm vô nghĩa của con trai.


Hai người phụ nữ trong gia đình cùng khổ, ước có bữa ăn tươm tất - 175 tuổi, bà Nguyễn Thị Em vẫn phải lo lắng cho người con trai mắc bệnh tâm thần (Ảnh: Hoàng Lam).

Anh Long, con trai bà Em sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Hết nghĩa vụ quân sự, anh Long về quê lấy vợ rồi ở rể. Một lần đi núi, anh bị ngã, người thân tìm mấy ngày mới được nhưng vết thương quá nặng, anh phải nằm bất động thời gian dài.

Thương con trai, vợ chồng bà Em đón về chăm sóc, thuốc thang. Lần hồi qua ngày, anh Long cũng đi lại được nhưng tính khí ngày càng bất thường. Tình trạng của anh Long ngày càng nặng. Anh mất khả năng lao động, suốt ngày đi lang thang, có nhiều hôm vợ chồng bà Em phải nhờ người tìm về.

“Có lần con đi mấy ngày, tìm mãi không được. Đến khi tìm được thì đang ngồi run rẩy dưới gốc cây trong vườn hoang, dù trời mưa rét. Đêm phải đóng cửa “nhốt” con lại nhưng lên cơn là xô cửa đi, ngăn lại thì đánh cả cha lẫn mẹ”, bà Em ứa nước mắt.

Con dở khôn dở dại, trong khi đó bà Em còn phải chăm sóc người chồng 80 tuổi ốm đau quanh năm. Ốm đau, già cả, bệnh tật bủa vây khiến bà không có lấy một ngày thảnh thơi.
Hai người phụ nữ trong gia đình cùng khổ, ước có bữa ăn tươm tất - 2Căn bệnh tâm thần khiến anh Long mất khả năng tự chủ, thường xuyên bỏ nhà đi và sẵn sàng hành hung người thân nếu bị ngăn cản (Ảnh: Hoàng Lam).

Sau thời gian dài chạy chữa khắp các bệnh viện trong cảnh túng thiếu, dịp trước Tết Nguyên đán vừa rồi, ông Nguyễn Tất Thắng (81 tuổi, chồng bà Em) qua đời.

“Đợt ông ấy đi viện, một tay Hoài xoay xở. Giờ ông ấy chết rồi, cả cái nhà này cũng chỉ biết nhờ vào nó thôi”, bà Em rầu rĩ.

Chị Hoài là con dâu của bà Em và cũng là trụ cột của cả 2 gia đình.

Cảnh đời éo le, gia đình toàn người bị bệnh động kinh

Gần trưa, chị Hồ Thị Hoài (47 tuổi) cùng chồng và cô con gái cuốc cỏ lạc về. Cô con gái 19 tuổi xuống xe, tiện chân đạp cho chó một cái rồi bước thẳng vào giếng.

“Tính nó thế đấy”, chị Hoài ái ngại nhìn chúng tôi, phân bua. Dường như chị không muốn thừa nhận nhưng có lẽ, cô con gái đầu cũng mang di chứng bệnh động kinh giống bố và bác.
Hai người phụ nữ trong gia đình cùng khổ, ước có bữa ăn tươm tất - 3Sổ khám bệnh của anh Hải và anh Long (Ảnh: Hoàng Lam).

Khuôn mặt chị Hoài nhăn nhúm, nước mắt trào ra khi kể về cảnh khốn khổ của mình. Anh Nguyễn Tất Hải (46 tuổi, chồng chị Hoài) vốn khỏe mạnh bình thường. Tầm 30 tuổi, căn bệnh động kinh mới bắt đầu phát lộ.

So với tình trạng của anh trai thì bệnh động kinh của anh Hải nhẹ hơn. Nói là nhẹ chứ người đàn ông này có thể ngã vật ra bất kỳ lúc nào, dù ngoài đồng hay ở nhà nên gần như không làm được việc gì. Thành ra, việc đồng áng hay kinh tế trong nhà một tay chị Hoài lo liệu.

Dù gia đình chị Hoài và bà Em ở riêng nhưng cùng chung một khoảnh vườn. Cũng bởi cái cảnh éo le của mẹ chồng mà chị Hoài phải cáng đáng cả 2 nhà.

Niềm hi vọng của chị dồn lên hai đứa con nhưng trời không thương, hai con chị Hoài cũng không được lanh lợi. Cô con gái đầu 19 tuổi cũng chẳng làm được gì, ở nhà quanh quẩn giúp bố mẹ đôi việc đồng áng.
Hai người phụ nữ trong gia đình cùng khổ, ước có bữa ăn tươm tất - 4Với căn bệnh động kinh, thường xuyên ngất xỉu, anh Hải gần như không làm được việc nặng (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhà được mấy sào ruộng, lại toàn người già cả ốm đau, chị Hoài không yên tâm để xin đi làm công nhân. Thương hoàn cảnh của chị, trường mầm non trong xã hợp đồng để chị Hoài quét dọn, vệ sinh trường.

Mùa đông hay mùa hè, cứ 4h30 là chị Hoài lại thức 2 con dậy để lên trường làm. Dù hai đứa không được nhanh nhẹn như bạn bè nhưng việc cầm chổi quét sân cũng không phải là không làm được, hơn nữa có các con phụ giúp, chị mới hoàn thành được công việc trước khi trường đón trẻ.

Hết việc ở trường, chị Hoài cùng chồng đi ra đồng cuốc đất, nhặt cỏ, mong có thể lo cho cả gia đình bữa ăn no.

“Những ngày bố chồng tôi đau ốm, phải nằm viện, nhà không có lấy một đồng, trong khi đó hơn 100 triệu đồng tiền nợ. Nhìn cảnh anh chồng bệnh tật, chồng ngất xỉu sõng soài, mẹ chồng già cả, hai con thì như thế, quả thực tôi không biết nhìn vào đâu mà xoay xở.
Hai người phụ nữ trong gia đình cùng khổ, ước có bữa ăn tươm tất - 5Nhiều khi bất lực, muốn buông xuôi nhưng nghĩ cảnh mẹ già, anh ốm, chồng đau, hai con khờ dại chị Hoài lại gắng gượng (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ lại, số mình như thế rồi, buông tay thì ai lo cho cả mấy miệng ăn. Có khi tôi chỉ ước cả nhà có bữa ăn tươm tất. Mình thì không nói nhưng người già, người bệnh, bọn trẻ đang tuổi lớn chỉ ăn cơm rau, thi thoảng mới có đôi con cá kho mặn…”, chị Hoài thổn thức.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, gia đình bà Nguyễn Thị Em và chị Hồ Thị Hoài tách hộ nhưng cùng sinh sống trong một mảnh đất.

“Trong khi bà Em già cả, thì hai anh con trai Nguyễn Văn Long, Nguyễn Tất Hải mất khả năng lao động, hiện hưởng trợ cấp hàng tháng dành cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hai gia đình nhưng chỉ có chị Hoài là lao động chính, nên hoàn cảnh càng khó khăn thiếu thốn hơn. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội cũng hết sức quan tâm, chia sẻ nhưng chỉ giúp được phần nào thôi”, ông Hùng cho hay.