Một trong nhiều nội dung được người lao động đặt ra trong buổi đối thoại “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội” vừa qua là tiền lương của giáo viên sẽ được thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương?

Sau cải cách tiền lương, giáo viên sẽ có hệ thống tiền lương, ưu đãi riêng

Vừa qua, Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh tổ chức Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội” với sự tham gia của 300 đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, đoàn viên công đoàn và người lao động huyện Đông Anh đã gửi tới các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, an toàn lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội nhiều câu hỏi liên quan; trong đó có liên quan đến trả lương tháng 13; điều kiện hưởng lương hưu; giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP có được tăng lương định kỳ; cải cách tiền lương mới năm 2024…

cải cách tiền lương

Anh Nguyễn Hữu Minh (Trường Tiểu học Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) đặt câu hỏi: về chế độ tiền lương sau cải cách tiền lương. Ảnh: NT

Nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Đông Anh đặt câu hỏi: Tiền lương của giáo viên sẽ được tính thế nào nếu cải cách tiền lương bỏ hết phụ cấp thâm niên theo Nghị quyết 27-NQ/TW vào năm 2024?

Trả lời câu hỏi này, bà Vũ Minh Huyền – Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: “Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, tiền lương sẽ thực hiện theo vị trí việc làm, khi đó giáo viên không hưởng lương theo hệ số mà là một khoản tiền bằng giá trị công sức bỏ ra đã được tính toán. Ngoài ra là các loại phụ cấp được tính toán để đưa vào một mức tiền công đảm bảo tất cả các giáo viên bỏ ra công sức lao động được trả lương xứng đáng”.

Bà Huyền cũng thông tin thêm, hiện nay Bộ GD ĐT đang tham mưu xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục, ưu đãi của giáo viên sẽ được thực hiện với hệ thống tiền lương riêng. Do vậy, chế độ chính sách đối với giáo viên tạm thời chưa thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW nên vẫn có chế độ phụ cấp.

Cách tính tiền lương cho giáo viên hợp đồng

Bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội, bổ sung thêm thông tin: Nghị định 77/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 54/2011/NĐ-CP tính phụ cấp thâm niên cho giáo viên đang giảng dạy các các đơn vị công lập, có hiệu lực từ tháng 7/2020. Giáo viên không được hưởng theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP thì được điều chỉnh lại chứ không phải điều chỉnh lương hưu. Đối với những trường hợp nghỉ hưu sau tháng 7/2020 chưa được tính thâm niên thì sẽ được tính. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng lao động phải có đề nghị đóng nộp bổ sung khoản tiền mà người lao động được hưởng thì bảo hiểm xã hội mới có căn cứ điều chỉnh lại.

cải cách tiền lương

Bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội, chia sẻ thêm về cách tính thâm niên trong nghề giáo. Anh: N.T

Với trường hợp giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP có được tăng lương định kỳ, các chuyên gia cho hay, từ năm 2023 – 2024, chúng ta có giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định rõ: Ở đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) có thể sử dụng một trong hai hình thức trả lương. Một là trả lương theo thang bảng lương; hai là trả lương theo thỏa thuận.

Trong trường hợp giáo viên được trả lương theo bảng lương, nếu đủ điều kiện thời gian công tác từ 3 năm trở lên sẽ được xem xét tăng bậc lương. Tuy nhiên, đơn vị nhóm 3 đang áp dụng mức lương phụ thuộc vào nguồn thu. Do đó, đơn vị này sẽ căn cứ vào khả năng tài chính của mình để trả lương cho giáo viên và áp dụng các mức tăng lương phù hợp, có thỏa thuận.

Đối với giáo viên được tuyển dụng qua thi tuyển viên chức nếu đã có thời gian làm hợp đồng từ 9 tháng trở lên thì sẽ được cộng dồn thời gian này để xem xét nâng bậc lương. Nếu giáo viên đã làm hợp đồng thời gian dưới 9 tháng thì sau khi đỗ viên chức phải trải qua tập sự.