Kế toán trường học là những viên chức, lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục, có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của nhà trường và công tác giảng dạy học tập của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, họ đang phải vật lộn với công việc, cuộc sống của mình, bởi thu nhập thấp, trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều kế toán trường học đã phải lăn lưng xách vữa, bán nước kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống của gia đình…

Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dụcChị Lê Thị Na (ngoài cùng, bên phải) chỉ là một trong rất nhiều nhân viên kế toán trường học chưa được chuyển ngạch. Ảnh: Lương Hạnh
Có bằng đại học 10 năm, vẫn phải nhận lương cao đẳng

Lương thấp, không có thêm bất kỳ khoản thu nhập thêm nào ngoài phụ cấp kiêm nhiệm 180.000 đồng/tháng, chị Na chấp nhận tự bỏ chi phí học đại học. Song, sau 10 năm cầm trong tay tấm bằng đại học, nữ kế toán trường học vẫn nhận mức lương hệ cao đẳng và không biết phải chờ chuyển ngạch đến bao giờ?

Vác bụng bầu vượt mặt đi học tại chức

Một ngày đầu tháng 10.2023, chị Lê Thị Na (SN 1982, trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), đang là viên chức kế toán Trường Tiểu học Xuân Ái (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) tất tả đến Báo Lao Động, mong gặp được phóng viên giãi bày tâm sự, khổ tâm, bức xúc trong nhiều năm qua…

Tròn 18 năm công tác năm trong ngành Giáo dục, hiện nay, chị Na đang hưởng hệ số lương là 3.03, mức lương 5.843.000 đồng/tháng.

Chị nhớ lại, tháng 12.2005, chị bắt đầu trở thành nhân viên hợp đồng trong ngành Giáo dục địa phương. Năm 2010, chị được tuyển dụng vào làm viên chức tập sự. Đến tháng 3.2011, chị chính thức trở thành viên chức kế toán trường học.

Là người lập bảng lương cho cả trường nhưng lương của chị Na lại luôn thấp nhất. Ảnh: Lương Hạnh. Là người lập bảng lương cho cả trường nhưng lương của chị Na lại luôn thấp nhất. Ảnh: Lương Hạnh
Với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, chị Na phải “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu dè sẻn từng đồng, song vẫn không thể đảm bảo cuộc sống. Chị đành phải làm thêm nhiều công việc khác, kiếm thêm thu nhập, lo cho gia đình nhỏ.

Nhắc đến tiền lương, đôi mắt chị Na đỏ hoe, ầng ậng nước. “Tôi có 2 con nhỏ. Mỗi lần phải đóng tiền học phí cho con, tôi phải xoay xở, vay mượn khắp nơi mới đủ tiền. Công tác trong ngành Giáo dục nhưng lương của mẹ lại không đủ tiền đóng học cho con, nghĩ mà tủi thân” – chị Na tâm sự.

Theo chị Na, năm 2010, chị tự bỏ chi phí, khăn gói từ huyện Văn Yên đến thành phố Yên Bái theo học một lớp học tại chức để lấy bằng đại học. 3 tháng sau khi theo học, chị phát hiện mình mang bầu cháu thứ 2. Thế nhưng, vì muốn nâng cao trình độ chuyên môn, sớm được chuyển ngạch để nâng lương, chị vác bụng bầu vượt 40 km đường rừng đến lớp học mỗi ngày cuối tuần, ròng rã như vậy trong suốt 3 năm.

Nhưng trớ trêu thay, 10 năm trôi qua, tấm bằng đại học cùng nhiều chứng chỉ khác của chị vẫn nằm im trong ngăn tủ, để mỗi lần mở ra, chị càng cảm thấy đau khổ, tủi thân.

“Nhiều năm nay, chúng tôi luôn là những người thầm lặng làm chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh. Ấy vậy mà chúng tôi lại bị bỏ rơi trong ngành Giáo dục. Tại sao cùng trong một ngành, lại chỉ có giáo viên được hưởng các chế độ phụ cấp còn chúng tôi chỉ được hưởng phụ cấp trách nhiệm là 180.000 đồng/tháng?” – chị Na buồn tủi nói.

Chờ chuyển ngạch trong vô vọng

Không chỉ có chị Na, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (SN 1988, trú tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cũng đã chờ đợi nhận mức lương tương xứng với tấm bằng đại học trong suốt 9 năm qua. Nhiều lần viết đơn xin nghỉ việc, chị Vân lại ngậm ngùi cất lá đơn vì sự khó khăn của gia đình, vì cái gọi là “sự ổn định” của công việc.

Chị Vân kể, tháng 9.2010, với tấm bằng cao đẳng, chị chính thức trở thành viên chức kế toán trường học của Trường Mầm non Viễn Sơn (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Thời điểm đó, chị nhận mức lương là 2,8 triệu đồng/tháng đã bao gồm phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp thu hút vùng 135.

Cũng giống như chị Na, chị Vân nghĩ còn trẻ, cần phải bổ sung kiến thức chuyên môn, đồng thời có bằng đại học mới có thể chuyển ngạch nâng lương, chị quyết định đi học một lớp liên thông đại học tại thành phố Yên Bái. Tháng 6.2014, chị phấn khởi cầm tấm bằng đại học về trường chờ đến đợt chuyển ngạch.

Tháng 11.2016, theo đề án sáp nhập của UBND tỉnh Yên Bái, chị Vân chuyển từ nhân viên kế toán sang làm nhân viên văn thư – thư viện tại Trường THCS An Thịnh (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Đến tháng 6.2022, chị Vân nhận quyết định điều động về Trường TH&THCS Yên Hợp làm viên chức kế toán. Song 9 năm trôi qua, hiện nay, với mã ngạch 06.032 (Kế toán viên trung cấp), bậc 5, hệ số 3,34, chị Vân vẫn chỉ nhận được mức lương 6,1 triệu đồng/tháng.

“13 năm công tác trong ngành Giáo dục, hiện tại, tôi vẫn mòn mỏi chờ văn bản của ngành ban hành, để chuyển ngạch cho kế toán. Tại sao cùng là viên chức ngành Giáo dục, chỉ có quản lý và giáo viên được hưởng đầy đủ chế độ mà bỏ qua nhân viên kế toán như chúng tôi. Người ta vẫn nghĩ kế toán chắc giàu lắm, nhưng có ai biết chúng tôi đã sống chật vật nhiều năm qua như thế nào?” – chị Vân bức xúc.
Đường tới trường TH&THCS Yên Hợp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) của chị Vân ngày nắng và ngày mưa trong suốt 7 năm. Ảnh: Lương Hạnh. Đường tới Trường TH&THCS Yên Hợp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) của chị Vân trong suốt 7 năm. Ảnh: Lương Hạnh
Tay run run cầm cốc nước, hai mắt ướt đỏ, chị Vân cho hay, vợ chồng chị kết hôn năm 2012, 3 năm sau quá trình chạy chữa hiếm muộn, tốn cả trăm triệu đồng mới đón con đầu lòng. Sau đó, chị Vân tiếp tục mang thai 2 lần đều bị sảy, cuối năm 2020, anh chị mới có thêm bé gái thứ 2.

“Lúc mới kết hôn, tôi chỉ nợ 10 triệu đồng, sau 13 năm con số nợ ấy lên đến hơn 500 triệu đồng. Mỗi khi tôi đến ngân hàng để đáo hạn thấu chi, nhân viên ngân hàng đều ngỡ ngàng hỏi: “Lương của em chỉ có thế này thôi á? Không có thêm phụ cấp gì à? Lương như này làm sao mà sống được?”, tôi chỉ biết cười trừ trả lời: “Nhờ các chị cho thấu chi mà em vẫn sống đến giờ này chị ạ” – chị Vân tâm sự.