Làm ngày, làm đêm tích góp được chút tiền bà Khéo lại lên ngân hàng gửi cho 2 con gái học đại học ở TPHCM, còn bản thân ăn tằn tiện qua bữa trong căn nhà tồi tàn.

Giữa trưa, chị Phạm Thị Khéo (44 tuổi, trú khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lê thân hình gầy ốm, mệt mỏi sau ca làm công nhân vệ sinh ở chợ về nhà.

Nói là nhà nhưng thực tế nơi chị Khéo ở trông chỉ như căn chòi tạm bợ. Chòi rộng chừng 12m2, được chắp vá bằng nhiều tấm ni lông bạc màu, rách tả tơi. Dù che chắn đủ kiểu nhưng mỗi khi trời mưa chòi nhỏ vẫn dột đủ bề, còn trời nắng nóng như lò than.

Mẹ ở trong căn nhà tạm bợ, gắng lo cho 2 con học đại học - 1Căn nhà tạm bợ của chị Khéo (Ảnh: Trung Thi).

“Làm được chút tiền nào, tôi cũng gắng dành dụm nuôi 2 con gái học đại học ở TPHCM, còn bản thân tằn tiện, ngủ trong căn nhà tạm lạnh co ro khi mưa dột tứ bề. Mong mỏi lớn nhất của tôi là 2 con học hành đến chốn, có công ăn việc làm ổn định, không phải khổ như cuộc đời tôi”, chị Khéo buồn bã nói.

Tâm sự thêm về cuộc đời mình, chị Khéo chia sẻ, 20 tuổi chị lên xe hoa về nhà chồng và lần lượt sinh được 2 con gái. Cháu lớn 23 tuổi, tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã hơn 1 năm nhưng chưa xin được việc làm; cháu thứ 2 tròn 22 tuổi, đang học năm 3 trường Đại học Ngân hàng TPHCM.

Lập gia đình được 6 năm, 2 vợ chồng chị Khéo dựng tạm chòi nhỏ trên mảnh đất thuộc diện nhà nước quản lý. Vợ chồng chị đều cố gắng làm ăn, mong mỏi dành dụm được một khoản tiền tìm mảnh đất thổ cư, cất ngôi nhà nhỏ cho gia đình chung sống.
Mẹ ở trong căn nhà tạm bợ, gắng lo cho 2 con học đại học - 2Căn nhà rộng chừng 12m2, xập xệ, được che chắn bằng nhiều tấm bạt cũ (Ảnh: Trung Thi).

Theo lời chị Khéo, cách đây hơn 5 năm, chồng chị bất ngờ “đổ đốn” khi lâm vào cờ bạc, từ đó bán sạch mấy con bò, vay mượn tiền nhiều nơi.

“Ngày xưa 2 vợ chồng làm ăn cũng có, dành dụm được kha khá. Nhưng đâu ngờ, nhân lúc tôi đi làm, chồng bán hết bò, vay mượn nhiều người để nướng vào canh bạc”, bà Khéo kể.

Biết chuyện chị trách móc, can ngăn nhưng không được đành ra tòa ly hôn vào năm 2019. Chị Khéo một mình nhận nuôi 2 con gái.
Mẹ ở trong căn nhà tạm bợ, gắng lo cho 2 con học đại học - 3Cửa của căn nhà tạm bị mối mọt, hư hỏng (Ảnh: Trung Thi).

Để có tiền nuôi 2 con ăn học, chị Khéo đi làm phụ hồ, quét rác ở chợ, rảnh rỗi lại ra đồng bắt ốc. Làm lụng quần quật cả ngày nhưng chị Khéo không dám ăn bát bún, bát phở, bữa cơm đôi khi chỉ là một gói mì với cục cơm nguội.

Người phụ nữ trải qua nhiều truân chuyên chỉ mong cho 2 con gái được học hành đến nơi, đến chốn để sau này không giẫm lên vết xe đổ của đời mẹ.

“Một tháng tôi lên ngân hàng 3, 4 lần. Mấy cô nhân viên cứ hỏi sao không để dành đến cuối tháng rồi gửi luôn một thể. Tôi vội trả lời, con ở trong TPHCM hết tiền, nên dành dụm được chút nào tôi gửi vào ngay cho các con chi tiêu chứ chờ cuối tháng, 2 đứa biết sống thế nào”, chị Khéo kể.

Nay con gái lớn của chị Khéo đã ra trường nhưng đi nhiều nơi vẫn chưa xin được việc làm. Còn cháu thứ 2 đang học năm 3 đại học.

Chị Khéo cho biết, sức khỏe nay đã xuống, không làm như trước được nữa. Chị lo sợ không đủ sức nuôi cháu thứ 2 hết quãng đường đại học.

Mẹ ở trong căn nhà tạm bợ, gắng lo cho 2 con học đại học - 4Bên trong căn nhà không có gì giá trị (Ảnh: Trung Thi).

Bà Mạnh Thị Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hai, cho biết gia đình chị Phạm Thị Khéo thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương, hoàn cảnh rất khó khăn. Mặc dù một thân một mình nhưng chị Khéo vẫn cố gắng làm lụng nhiều công việc từ quét rác, nhặt nhôm nhựa, bắt ốc để có tiền nuôi 2 con học đại học.

“Mải lo cho các con nên nhà cửa của chị Khéo xuống cấp. Địa phương cũng mong quý mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ để chị Khéo có tiền sửa sang lại nhà cửa và hỗ trợ các con học hành”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hai chia sẻ.