Giáo viên mà không kiểm soát được cảm xúc trước thái độ ương bướng – vốn là đặc trưng của học trò – chứng tỏ thiếu kỹ năng sư phạm.

Vụ việc thầy hiệu phó trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức, tát nam sinh lớp 12 vì em này nhiều lần hút thuốc lá điện tử đang gây xôn xao cộng đồng. Có ý kiến bảo vệ giáo viên, cho rằng việc dùng đòn roi là cần thiết để giáo dục học sinh cá biệt. Thậm chí, nhiều người còn ủng hộ tư tưởng “thương cho roi cho vọt”. Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này.

Trẻ em có quyền được bảo vệ thân thể trong bất cứ trường hợp nào, thế nhưng tại sao nhiều người vẫn không nhận thức đúng về điều này? Tôi ủng hộ các phương pháp giáo dục nghiêm khắc để uốn nắn học sinh, đặc biệt là những em hư, lỳ lợm, khó bảo. Nhưng dùng bạo lực để xâm phạm thân thể và nhân phẩm của các em là một chuyện khác, hoàn toàn phải bị lên án.

Hãy hiểu rằng, nghiêm khắc với bạo lực là hai phạm trù riêng rẽ, không hề đi đôi với nhau. Giáo viên là người lớn mà không kiểm soát được cảm xúc trước thái độ ương bướng – vốn là một trong nhiều đặc trưng của học trò độ tuổi này – chứng tỏ người thầy này chưa nắm rõ tâm sinh lý học sinh, thiếu kỹ năng sư phạm. Từ đó, họ gây nên hành vi sai cả về giáo dục lẫn pháp luật – tát học sinh.

>> ‘Giáo viên đánh học sinh để thỏa mãn cảm giác bề trên’

Tôi rất hoan nghênh thái độ của giáo viên vì đã nhận ra sai lầm sau hành động nóng nảy của mình, nhưng không thể đồng tình với những lời bào chữa, bao biện của nhiều độc giả xung quanh vụ việc này. Các bạn đừng mỉa mai học sinh ngày nay mỏng manh hay được bao bọc quá mức để bảo vệ cho hành động bạo lực của giáo viên. Tất cả chúng ta đều phải làm theo quy định của pháp luật. Cũng như đừng đem chuyện “ngày xưa nên người nhờ đòn roi của thầy cô” để bao biện cho bạo lực sai trái nữa.

Đã dùng đến bạo lực, làm đau thể xác người khác thì chắc chắn người thực hiện đang bị kích động (có thể ở mức độ thấp) chứ tuyệt nhiên không ai ở trong trạng thái thực sự bình tĩnh hết. Vì theo logic, nếu bình tĩnh thực sự họ đã không áp dụng “biện pháp” đòn roi. Hãy ngưng “giáo dục hóa” chuyện bạo hành trẻ em lại.

Không có thứ yêu thương nào mà lại đánh đập khi ai đó phạm lỗi hết. Đánh chính là bạo hành – một hành vi vi phạm pháp luật. Gửi những ai mang quan điểm rằng nghiêm khắc cần đi đôi với bạo lực, thì các bạn nên biết rằng, suy nghĩ này vô cùng lệch lạc.