Đầu năm học, dù không muốn, nhiều giáo viên đành phải làm việc “đòi nợ”, thúc giục học sinh đóng các khoản đóng góp.

Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu, để thầy cô chuyên tâm vào việc dạy – học, nâng cao chất lượng giảng dạy, chúng tôi thật mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xem xét những qui định, việc làm không cần thiết đã tồn tại lâu nay trong ngành, nhằm giải phóng giáo viên khỏi những thủ tục “hành chính” theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện mà ngành giáo dục đang hướng đến hiện nay.

Đầu năm, học sinh phải đóng đủ các loại phí mà người thu hộ nhà trường thường là giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: Phụ huynh cung cấpĐầu năm, học sinh phải đóng đủ các loại phí mà người thu hộ nhà trường thường là giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Giáo viên chán cảnh…”đòi nợ”

Tôi cùng nhiều đồng nghiệp luôn có cùng thắc mắc việc ai phải là người thu các khoản tiền đầu năm học? Lâu nay, tất cả các khoản tiền như: Tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền bảo hiểm thân thể, tiền hội phụ huynh học sinh, tiền phiếu liên lạc, ghế nhựa, nước uống, tiền giấy thi… giáo viên chủ nhiệm lớp là người trực tiếp phải thu rồi viết biên lai từng khoản, sau đó nộp lại cho kế toán và thủ quỹ.

Hầu hết giáo viên chủ nhiệm đều than phiền là rất mỏi mệt vì hàng ngày phải đến lớp để… “đòi nợ”. Nhiều lúc còn tủi thân khi nghe học sinh bảo rằng cô T, thầy L.…“gặp mặt là đòi tiền”.

Các em đâu biết rằng đây là nhiệm vụ của nhà trường giao cho thầy, cô phải hoàn thành đúng thời gian nếu không muốn bị nhắc nhở, phê bình. Nhiều trường viện cớ vì chỉ có một kế toán và một thủ quỹ nên không thể nào thu được với số lượng lớn học sinh, do vậy trường phân công giáo viên chủ nhiệm thu hộ.

Nếu đây là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp theo qui định của Bộ GDĐT thì chúng tôi thực hiện, còn không phải thì mong quí cấp lãnh đạo xem xét, xác định rõ trách nhiệm ấy của ai. Đừng bắt giáo viên chủ nhiệm phải đứng ra thúc giục học trò, phụ huynh thu tiền các khoản đầu năm.

Gánh nặng sổ sách

Ngoài nỗi khổ thu tiền, giáo viên còn nhiều nỗi khổ khác phải gánh mà không biết than thở với ai. Công việc chính “soạn, giảng, chấm, trả” đã khiến cho giáo viên chóng mặt đau đầu, họ còn phải hoàn thành sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ điểm điện tử; sổ hội họp, sổ báo giảng, sổ đầu bài, sổ chủ nhiệm nếu là giáo viên chủ nhiệm, kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy…

Thoát khỏi “mê hồn trận sổ”, giáo viên phải tham gia đầy đủ các cuộc họp hàng tháng. Từ họp hội đồng, họp chuyên môn cấp, họp tổ, họp nhóm, họp công đoàn… đến họp phụ huynh học sinh đầu năm, cuối học kỳ I, cuối năm, họp đột xuất…

Chưa hết, các hoạt động ngoại khóa thực hiện theo chủ điểm những ngày lễ kỉ niệm: Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng An toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường… Rồi các phong trào giáo viên phải tham gia: Thi giáo viên giỏi, tổng phụ trách giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, rồi còn thi học sinh giỏi, vẽ tranh mỹ thuật, thi khoa học kỹ thuật… thật sự tốn rất nhiều thời gian của thầy cô. Vậy hỏi thời gian còn đâu để giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình?

Để nâng cao chất lượng giáo dục, theo tôi, cần tiết giảm bớt các loại hồ sơ sổ sách, họp hành, phong trào không cần thiết để giáo viên chuyên tâm giảng dạy. Bộ GDĐT nên có hướng dẫn chấm dứt những hoạt động việc làm không thiết thực, hình thức, phong trào. Đó mới là biện pháp nâng cao chất lượng dạy học và là sự quan tâm thật sự có ý nghĩa đối với nhà giáo.

Giáo viên chúng tôi mong rằng được thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Tất cả giáo viên đều than thở nhưng vẫn phải thực hiện, vì không thể để bị lãnh đạo xem xét trách nhiệm xếp loại thi đua vào cuối năm học là không hoàn thành nhiệm vụ.

Xin đừng bắt chúng tôi phải làm nhiều việc “không tên”.