Đề xuất trừ điểm người vi phạm giao thông, mỗi bằng lái tối đa 12 điểm, trừ hết thì phải thi lại: Bộ Công An giải thích

Mới đây, đề xuất trừ điểm người vi phạm giao thông đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Việc này có liên quan trực tiếp tới người dân nên ai cũng có những ý kiến riêng, mong rằng quyết định cuối cùng sẽ hợp tình hợp lý nhất.

Mới đây, Bộ Công an đã lên tiếng giải thích về đề xuất này cho mọi người hiểu rõ hơn. Về cơ bản, bộ Công an cho rằng trừ điểm bằng lái không phải xử phạt hành chính mà được xây dựng tương đồng quy định tước giấy phép hành nghề.

hình ảnh

Mỗi giất phép lái xe chỉ có tối đa 12 điểm mỗi năm, ảnh: DSd

Trước hết, cần cho mọi người biết rõ về đề xuất này như sau: Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm (mỗi năm), tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Trường hợp bị trừ hết 12 điểm, giấy phép lái xe đó sẽ bị coi là không còn hiệu lực. Như vậy, tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.

Nói về đề xuất này,  Bộ Công an cho biết việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như dự thảo là cần thiết.

Biện pháp này giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật, vi phạm tái phạm. Trừ điểm bằng lái còn nhằm cải thiện hành vi, nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

hình ảnh

Vi phạm nhiều lần sẽ bị trừ hết điểm và buộc phải thi lại bằng lái, ảnh: DSd

Việc trừ điểm bằng lái cũng tương đồng với quy định quản lý nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược. Pháp luật quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự thu hồi chứng chỉ hành nghề. “Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, Bộ Công an nêu.

Theo cơ quan này, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nhất là việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc đều có quy định trừ điểm bằng lái đối với lái xe vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

hình ảnh

Theo bộ công an, luật này là cần thiết để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân sau khi có bằng lái, ảnh: DSd

Trước đó, từ 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”.

Nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.

Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới.

Gần đây, khi thông tin về đề xuất này được công bố rộng rãi, đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi của người dân trên khắp các diễn đàn và báo chí. Cụ thể một số ý kiến nổi bật như sau:

– Nếu có trừ thì phải có cộng, nếu một khoảng thời gian đủ dài theo quy định tài xế không tiếp tục vi phạm thì sẽ được tự động xoá từng điểm trừ trước đó trên bằng. Chúng ta coi đó là phần thưởng khuyến khích họ tuân thủ luật giao thông.

hình ảnh

Quy định bấm lỗ trước kia có nhiều hạn chế nên đã bãi bỏ, ảnh: DSD

– Tôi ủng hộ luật này vì bên Mỹ đã áp dụng lâu lắm rồi. người mới lấy bằng sẽ được 12 điểm và cứ mỗi khi vượt đèn đỏ là sẽ bị trừ 3 điểm, chạy quá tốc độ sẽ bị trừ 3 tới 4 điểm cho tới khi hết điểm thì phải đi học và thi lại lấy lại 12 điểm mới. Ở bên Mỹ còn có luật thưởng điểm nghĩa là một người chạy một năm mà không bị cái biên bản nào thì sẽ được cộng 1 điểm và chỉ được tích lũy tối đa là 5 điểm trần.

– Mình ủng hộ ý kiến này, tuy nhiên cần xử lí dứt điểm vấn đề biển báo, chỉ dẫn giao thông cái mà nhiều người dân còn cảm thấy khá bức xúc. Cơ quan chức năng cần đứng ra số hóa tất cả các biển báo, chỉ dẫn và vị trí chúng trên đường để phát triển phần mềm chuyên hỗ trợ giao thông cho tất cả mọi người dân hoặc bên thứ 3 dựa vào dữ liệu đó phát triển cho chính xác, làm căn cứ để xử phạt, hạn chế tranh cãi.

+ Thống nhất đường có từ 2 làn đường trở lên (kể cả đường phố, đèo núi) tất cả biển báo cấm, hiệu lệnh đều phải nằm trên giá long môn hoặc cột cần vươn ra ko cắm 2 bên lề đường (biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, biển tạm có thể tạm thời vẫn cắm lề) trường hợp có nhiều biển cấm hiệu lệnh cùng 1 vị trí thì có thể lặp lại qua 2 biển vẫn vi phạm thì có thể xử phạt, việc này tránh để biển báo bị xe lớn, cây cối, cảnh vật bên đường che khuất, gây nhiễu và bộ não bị phân tâm, mất tập trung khi vừa xử lí độ phức tạp trên đường, vừa dò vị trí biển báo.