Càng lớn tuổi và gắn bó với nghề, nhiều giáo viên mầm non càng thấy chạnh lòng khi bản thân không còn đủ sức khỏe, sự năng động để đáp ứng việc dạy dỗ, chơi đùa cùng trẻ.

Càng lớn tuổi, giáo viên mầm non càng thấy chạnh lòng

Cô giáo mầm non mong có thêm các đãi ngộ về sức khỏe và tuổi hưu không quá cao để có thể gắn bó với nghề. Ảnh minh họa: Phong Linh
Công việc cần nhiều sức khỏe

Gắn bó với nghề giáo đã hơn 15 năm, cô C.T.M.T – giáo viên tại một trường mầm non ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ – cho biết, mỗi ngày, cô đều bận rộn từ sáng sớm đến tối muộn.

Theo đó, từ 6 giờ sáng, cô cùng các giáo viên khác đã phải có mặt ở trường dọn dẹp vệ sinh phòng học để kịp đón trẻ lúc 6 giờ 30 phút. Rồi cả ngày, cô phải thực hiện các công việc từ dạy học đến chăm trẻ một cách chu đáo, tỉ mỉ đến khi trả trẻ về với phụ huynh: “6 giờ sáng là tôi đã có mặt ở trường, đến khi trẻ về hết mới được về. Có hôm 18 giờ mà phụ huynh vẫn chưa đón con, các cô còn phải đưa trẻ về tận nhà”.

Buổi tối, thay vì được nghỉ ngơi, cô M.T lại phải chuẩn bị các loại hồ sơ, giấy tờ để chuẩn bị cho việc dạy học phù hợp với từng nhóm trẻ. Cho nên, hơn ai hết, cô M.T hiểu rõ đây là một công việc không hề nhẹ nhàng.

“Phụ huynh giữ 1-2 cháu đã thấy mệt thì 2 cô như chúng tôi phải giữ 20, 30 trẻ sẽ vất vả đến nhường nào. Với lại, công việc của giáo viên mầm non hiện nay đâu chỉ là giữ trẻ an toàn mà còn phải múa, hát, dạy trẻ đọc thơ, vẽ, viết, khám phá… nên nếu không đủ sức khỏe làm sao có thể làm được những việc đó” – cô M.T tâm sự.

Theo cô M.T, làm giáo viên không chỉ nặng nhọc về thể lực mà còn phải chống đỡ nhiều áp lực về mặt tinh thần, nhất là từ phía phụ huynh. Khi nhận trẻ, các cô phải chăm sóc chu đáo, không bị thương tổn, đảm bảo bé phát triển toàn diện… có như thế mới đáp ứng được phụ huynh.

Bận bịu từ sáng đến tối, cô Đ.T.C.T – giáo viên tại một trường mầm non ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ – cũng cảm nhận rõ sự vất vả của công việc mình đã gắn bó 10 năm nay.

“Từ 6 giờ 30, tôi đã có mặt ở trường để dọn dẹp và đón trẻ. Sau khi dạy và chăm cho trẻ ngủ trưa, tôi không nghỉ ngơi mà tranh thủ soạn giáo án, chuẩn bị hồ sơ để tối về có thời gian cho gia đình. Nhưng nếu không kịp thì tối về, tôi vẫn phải làm. Ngoài ra, để phục vụ cho công việc, tôi còn phải tự làm đồ dùng dạy học” – cô C.T nói.

Tăng đãi ngộ, giảm tuổi nghỉ hưu

Qua nhiều năm làm nghề, không ít cô giáo mầm non nhận thấy rõ công việc giữ trẻ hiện nay có thể nói là khá nặng nhọc với nhiều áp lực. Theo đó, để tiếp tục gắn bó với nghề, họ mong muốn được giảm tuổi hưu cũng như có được những đãi ngộ xứng đáng với công sức bản thân đã bỏ ra.

Làm 10 năm nhưng hiện lương chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, cô C.T phải vừa đi dạy vừa bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống dù công việc ở trường rất bận bịu. Cho nên, với cô C.T, tăng lương và những đãi ngộ về sức khỏe là điều rất chính đáng với giáo viên mầm non.

“Trong thời buổi vật giá leo thang này nếu lương tăng thêm được đồng nào sẽ đỡ đồng ấy. Chưa kể, những chính sách đãi ngộ về sức khỏe cho giáo viên mầm non cũng rất cần thiết. Bởi nếu có sức khỏe tốt, chúng tôi mới có thể đảm bảo việc chăm sóc các bé và tiếp tục theo nghề” – cô C.T chia sẻ.

Tương tự, theo cô M.T, lương và các chính sách chăm sóc sức khỏe cho giáo viên cần được cân nhắc vì 2 người phải giữ 20 – 30 trẻ thì thời gian, công sức bỏ ra một ngày là rất nhiều. Đặc biệt, độ tuổi nghỉ hưu không nên cao quá. Bởi trẻ em bây giờ rất hiếu động, càng lớn tuổi, không đủ sức khỏe, các cô sẽ không thể trông giữ, chăm sóc trẻ được. Nếu không may trẻ có tổn thương gì thì sẽ phải chịu trách nhiệm và áp lực rất lớn từ phía phụ huynh.