Chiều tối ngày 9/9, đại diện 2 bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo trả lời báo chí liên quan đến việc bỏ thi thăng hạng với giáo viên.

Article thumbnail
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Đ.X

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, bất cứ ngành nghề nào, thì cán bộ, công chức, viên chức đều muốn thăng hạng nghề nghiệp.

“Với nhà giáo được thăng hạng, không chỉ chứng tỏ năng lực nghề nghiệp của mình, mà còn kèm theo đó là tăng lương, tăng thu nhập”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ Nội vụ đã dự thảo sửa đổi một số quy định trong việc thăng hạng nghề nghiệp, trong đó không còn hình thức thi, mà chỉ còn hình thức xét.

“Dù thi hay xét thăng hạng đều nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Với hình thức thi, theo ông Sơn sẽ mất nhiều thời gian cho cán bộ, công chức, viên chức và chi phí tốn kém. Còn xét thăng hạng sẽ có yếu tố tích cực hơn. Những người tham gia xét thăng hạn sẽ được đánh giá năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ một cách chính xác nhất.

“Thay vì chỉ thông qua bài thi, đánh giá trên điểm thì những người trong hội đồng xét thăng hạng sẽ kiểm tra cả quá trình của viên chức”, ông Sơn nhìn nhận.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xét thăng hạng sẽ bảo đảm công bằng, minh bạch, chính xác hơn, góp phần giúp giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp. “Đây cũng là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc”, ông Sơn nói.

Tiết kiệm nhiều chi phí

Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Sơn, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ nói, thi thăng hạng sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được “đúng người, đúng việc”.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ. Ảnh; Đ.X

Theo ông Minh, việc thi thăng hạng viên chức đã được thực hiện từ năm 1998 đến nay. Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, nhất là nhiều bộ, ngành chưa ban hành thông tư hướng dẫn việc thi thăng hạng.

Thêm nữa, nên việc thi thăng hạng còn hình thức, không phản ánh thực chất do chưa quy định được nội dung thi, chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm.

“Với số lượng viên chức rất lớn (gần 2 triệu người), nên việc thi thăng hạng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành, đây chính là hạn chế, rào cản”, Người phát ngôn Bộ Nội vụ nói.

Ông Minh còn nhìn nhận, tổ chức thi sẽ gây rất nhiều tốn kém về thời gian, công chức, chi phí.

“Bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội”, ông Minh nói và cho hay, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức.

“Nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức”, ông Minh khẳng định.